Năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe của cựu thanh nên xung phong Nguyễn Xuân Bình, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc cũng đã có phần giảm sút. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương năm xưa lại đau tấy, nhắc nhở ông về một thời tuổi trẻ trôi qua tại chiến trường. Thế nhưng, trong suy nghĩ của ông, so với những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước thì ông vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn nhiều, vì đến bây giờ, vẫn còn nhiều đồng đội của ông chưa được quy tập về với quê hương, gia đình, vẫn yên nghỉ đâu đó trên chiến trường đầy bom đạn.

Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Xuân Bình vẫn luôn canh cánh trong lòng
món nợ ân tình với những người đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc
Khi đất nước còn chiến tranh, ông Nguyễn Xuân Bình tình nguyện tham gia thanh niên xung phong khi mới vừa tròn 17 tuổi. Hơn 10 năm phục vụ cách mạng, ông được điều chuyển qua nhiều vị trí, đầu tiên là đội viên đội C2 – 13C, sau đó sang đội CT310 làm nhiệm vụ mở đường, xây dựng sân bay. Năm 1968, ông được lệnh điều động sang Đại đội 6 - Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 351, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đi chiến đấu tại chiến trường Miền Nam, rồi sang phối hợp chiến đấu cùng với nước bạn Lào.
Năm 1976, ông phục viên trở về quê hương tiếp tục tham gia sản xuất. Bước ra khỏi chiến tranh gần 40 năm,nhưng ông vẫn canh cánh và day dứt trong lòng, nhớ về người đồng đội Ngô Công Tần của mình vẫn đang nằm lại giữa núi rừng nước bạn Lào. “Anh Tần là người đã cùng tôi kề vai sát cánh trong các nhiệm vụ từ những ngày còn là đội viên đội thanh niên xung phong. Trong chiến dịch nâng cao ngầm Xê A Noong, thuộc tỉnh Xa-la-văn của đội C6 công binh để xe tăng quân giải phóng vượt qua tiến vào mặt trận Nam Lào, Ngô Công Tần đã anh dũng hy sinh để bảo vệ một người đồng đội của mình. Thời điểm ấy chiến tranh ác liệt, chúng tôi cũng chỉ kịp làm các thủ tục rồi đưa thi hài anh vào một bãi đất trống để an táng rồi sau đó lại tiếp tục di chuyển về địa điểm khác. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 21/11/1970”. – ông Bình kể.
Lần đầu tiên ông cùng ba người anh em của liệt sĩ đến huyện Mường Noong, tỉnh Xa-la-Văn thì nước lũ sông Xê A Noong lên quá cao, mọi người không thể đi qua đành phải quay về. Sau đó 1 tuần, mọi người lại tiếp tục quay trở lại tìm kiếm, và nhận được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân địa phương.
“Mọi ký ức của tôi vẫn còn mới mẻ như ngày hôm qua, tôi còn nhớ địa điểm chôn cất anh Tần là cách 50 bước chân từ cây lim cổ thụ có hai tảng đá to hai bên. Nhưng khi tới nơi, cây lim đã không còn, hai tảng đã đã dịch chuyển vị trí so với ban đầu khá nhiều. Mất 8 ngày đêm tìm kiếm, ăn cơm nắm, uống nước suối, dựng lều ngủ tại rừng, may mắn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy mảnh nilon đã từng bọc thi hài anh Tần. Mặc dù xương cốt anh đã hòa tan vào đất, nhưng chúng tôi còn tìm thấy tấm áo anh vẫn còn ghi rõ tên và một gói di vật còn nguyên gồm thắt lưng, bi đông nước và 2 cuộn dây dù màu trắng của anh. Xác định đúng mộ của anh, cả đoàn người rung rung nước mắt, xúc động không nói nên lời. Tôi cảm thấy ngực mình như vừa được gỡ đi được một tảng đá lớn. Sau 40 năm, cuối cùng tôi cũng tìm lại được người đồng đội của mình”. – ông Bình xúc động nhớ lại.
Sau nhiều lần tìm kiếm với bao gian nan, vất vả, hài cốt liệt sĩ Ngô Công Tần được gia đình đưa về quê hương Yên Lạc trong tình yêu thương, xúc động của gia đình, đồng đội và nhân dân địa phương. Một ngày cuối năm 2013, lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể tại thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc.
Trong thời gian tham gia Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong 13C-T310, ông Bình vẫn luôn chú ý và ghi chép cẩn thận những thông tin về liệt sĩ và những gia đình đang tìm kiếm người cha, người anh của mình để “biết đâu vô tình một lúc nào đó tôi có thể cung cấp cho họ những thông tin cần thiết”. Rất tình cờ, trong một lần kiểm tra hồ sơ để làm chế độ chính sách cho thân nhân gia đình liệt sĩ, ông vô tình đọc được giấy báo tử của liệt sỹ Nguyễn Văn Huệ của xã Tam Hồng có ghi “Liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ, thuộc Đại đội 4, Sư đoàn 2 hy sinh tháng 10 năm 1969”. Nhớ lại thời điểm cuối năm 1969, đơn vị của ông và đơn vị của liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ có phối hợp chiến đấu ở hậu cứ Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngay lập tức, ông liên hệ với thân nhân liệt sĩ và cùng họ đến địa điểm này để tìm kiếm với hy vọng mong manh.
Được sự giúp đỡ của chính quyền huyện Đại Lộc, ban đầu đoàn tìm kiếm đã xác định được cơ bản địa điểm hậu cứ trước đây. Nhưng qua năm tháng, nhân chứng lịch sử hầu như không còn nhiều, khu hậu cứ cũng được nhân dân khai hoang, xây dựng nhà cửa nên công tác tìm kiếm gặp khá nhiều khó khăn do không xác định được địa điểm cụ thể, và cũng không ai biết khi đó liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ được chôn cất ở đâu và như thế nào, đặc điểm vị trí ra sao. Sau nhiều ngày tìm kiếm không có phương hướng, mọi người tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì may mắn gặp được một đồng chí trước đây cũng tham gia mở đường tại khu vực này và được chỉ điểm vị trí trước đây có chôn cất một liệt sĩ thuộc đơn vị ghi trong giấy báo tử, nhưng chưa xác định được danh tính. Sau khi khai quật mộ phần liệt sĩ, nhờ di vật còn sót lại, mọi người xác định đúng đây là mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ. 10 ngày sau, hài cốt liệt sĩ đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hồng.
“Tôi nghĩ đây có lẽ là duyên phận, tôi và đồng chí Huệ thậm chí không hề biết nhau, vậy mà run rủi thế nào anh lại chỉ đường dẫn lối giúp tôi có thể giúp đỡ gia đình tìm thấy anh và đưa anh về với quê hương” - Ông Bình chia sẻ
Chia sẻ với phóng viên, ông Bình cho biết, tuy giờ tuổi cao sức yếu, nhưng nếu có thông tin nào của các liệt sĩ mà ông có thể giúp đỡ tìm kiếm ông sẵn sàng không quản ngại khó khăn hỗ trợ thân nhân của gia đình. Bởi theo như lời một cựu chiến binh đã từng nói với ông thì “Người lính sống sót trở về mang nợ với những người đã nằm xuống”, và ông sẽ đi đến khi nào không đi được nữa để trả món nợ ân tình những người đồng chí, đồng đội của ông.